[Dịch] Phỏng vấn đạo diễn – Ngày hội người hâm mộ KyoAni & Do 2015

Chúng ta hãy tưởng tượng là tôi bị bắt cóc đi đâu đó trong khoảng 2 năm, hoặc bị rơi vào trạng thái thực vật mà bây giờ mới bừng tỉnh dậy. Tôi lục lại ký ức 2 năm về trước rồi nhớ ra mình đã từng mê Yamada và quyết tâm học tiếng Nhật đến độ kiếm vu vơ một bài phỏng vấn của hãng KyoAni về mà dịch. Dù bấy giờ đã hoàn thành 90% rồi, nhưng [sự kiện mà các bạn tưởng tượng] bất ngờ ập tới, nay tôi ngơ ngác lôi lại bản dịch cũ xa xưa và lạc lõng ra để làm đầy blog. Tôi tuy dần phai nhạt cảm tình với anime nói chung, nhưng thấy post này cơ bản đã xong nên cứ làm nốt đăng cho rồi.

Buổi phỏng vấn 4 đạo diễn của KyoAni (Yamada, Ishidate, Takemoto, Ishihara) diễn trong khuôn khổ ngày hội người hâm mộ KyoAni & Do lần 2, năm 2015. MC là diễn viên lồng tiếng Shiraishi Minoru. Bài bên dưới được dịch từ bản dịch tiếng Anh của kViN trên trang Sakura Blog, có tham khảo song song bản gốc tiếng Nhật do Sakura Blog dẫn link.


Shiraishi: Để bắt đầu, chúng ta hãy điểm qua số tác phẩm mà các khách mời đã đạo diễn.

Yamada: Cả đống dấu bản quyền trên màn hình luôn! (cười)

Takemoto: Lộng lẫy một màu Kadokawa.

Ishidate: Gọn gàng quá đi.

Yamada: Nhiều chữ hiragana nhỉ, nom thật dịu dàng.

Shiraishi: Lần này, chúng tôi đã tập hợp các câu hỏi dành cho các anh chị đạo diễn được gửi về trang chủ trước sự kiện. Chúng tôi chọn một vài trong số đó để hỏi từng đạo diễn ở đây hôm nay.

Câu 1: Ngay cả khi làm việc với các tác phẩm có sẵn nguyên tác, tôi tin là phong cách riêng của đạo diễn vẫn bộc lộ. Xin hãy cho biết gốc rễ (tức tác phẩm nào ảnh hưởng đến các anh chị), thời còn nhỏ của các anh chị như thế nào, và điều gì đã thúc đẩy mọi người làm anime.

Ishihara: Tôi chịu ảnh hưởng của phim Mỹ hồi thập niên 70.

Shiraishi: Động lực gì đã thúc đẩy anh gia nhập KyoAni vậy ạ?

Ishihara: Những năm 70 là thời bùng nổ anime với những phim như Chiến hạm không gian YamatoGiáp thần Gundam, bấy giờ tạp chí anime đã được phát hành. Trong đấy có những bài phỏng vấn nhà sáng tạo, cho nên vào khoảng năm cuối tiểu học, tôi đã thấy thích thú công việc này.

Tôi bắt đầu ý thức về việc sản xuất anime là khi suy nghĩ về con đường sự nghiệp thời lên sơ trung. Tôi để mắt tới anime trong lúc các tác phẩm thập niên 80 hừng hực khí thế. Thời ấy người ta dùng từ “otaku” hơi khác với bây giờ, nó nghiêng về nghĩa “chuyên gia” hơn. Bấy giờ tôi rất thích xem anime, nhưng còn dựng phim thì chưa biết thích hay không. Ông bố tôi đã xui tôi mua một cái máy quay 8mm.

Takemoto: Tôi thì không có tác phẩm nào mà mình chịu ảnh hưởng, nhưng bộ phim tạo động lực cho tôi muốn làm anime là Lâu đài trên không Laputa. Tôi tự hỏi không biết mình có dựng được một tác phẩm kỳ thú vậy hay không. Có những tác phẩm khác mà tôi thích, nhưng ngoài Laputa ra thì cũng khó kể công bộ nào.

Ishidate: Tôi chịu ảnh hưởng chính cống từ phim Back to the Future. Tôi hồi đầu không có ý định làm việc chế tác anime mà muốn theo phim người đóng cơ. Đến khi tìm việc trong ngành truyền hình và phim người đóng, tôi mới thấy mình không hợp với nó. Rồi vì vốn cũng thích vẽ tranh, tôi cứ ngẫu nhiên mà nộp đơn rồi được nhận vào KyoAni.

Takemoto: Cậu coi được mấy bộ phim rồi?

Ishidate: Không đếm được bao nhiêu nữa.

Yamada: Tôi thì chưa coi Chiến hạm không gian Yamato. Nếu phải kể ra thì (tôi thích) Nausicaa hơn là Laputa. Tôi còn tậu về phiên bản mới nhất của cùng mẫu đồng hồ mà Marty đeo trong Back to the Future. Nói chung thì tôi chịu ảnh hưởng từ tất cả các đàn anh ở đây. (cười)

Tôi sinh ra ở Kyoto nhưng vào khoảng năm 3 tuổi thì chuyển về nhà bên mẹ ở Gunma. Không có tàu điện đi qua, nhiều côn trùng, còn có mấy con suối nhỏ… Totoro sẽ rất thích thế. (cười)

Sau khi được nuôi lớn ở một nơi giống với chỗ sống của Totoro, tôi quay về Kyoto. Ở Kyoto, tôi xem được bộ phim hoạt hình stop motion Tiệp Khắc tựa là Alice của… Jan Švankmajer rồi nghĩ là mình cũng muốn làm phim hoạt hình.

(Dù yêu thích nhưng Yamada không nhớ nổi tên, khán giả đã nhắc hộ.)

Takemoto: Cái đó là phim rùng rợn nhất tôi từng xem trong đời.

Yamada: Tôi thích đến độ đi tới xưởng phim của ông ấy ở Prague nhưng nó không mở cửa (cười). Những người ở gần chắc đã nghi ngại và trách móc họ (cười).

Câu 2: Trong số rất nhiều hãng phim anime, tại sao các anh chị lại vào KyoAni? Với lại, vào làm việc ở KyoAni thì có điểm gì hay?

Ishihara: Hồi tôi còn học ở trường nghề, tôi bị lôi cuốn khi nghe giám đốc ở KyoAni nói vào ngày hội giới thiệu công ty.

Takemoto: Vì công ty nằm ở vùng Kansai. Có sự khác biệt trong chi phí sinh hoạt giữa Kansai với Kanto.

Shiraishi: Vậy còn anh Ishidate, anh thấy vào công ty có điểm gì hay?

Ishidate: Vào công ty có điểm hay là… tôi có lý do tốt để vào?

Yamada: Dù là anh thích phim người đóng (cười).

Shiraishi: Cái đấy thì không thấy ở đây đâu!

Ishidate: Khi tôi vào làm thì tính cách của chủ tịch và giám đốc công ty đều rất chân thành, vậy nên tôi nghĩ mình sẽ làm được lâu dài đây. Nghe chừng tôi hơi nông cạn…

Yamada: Tôi lướt qua mấy tờ giấy tuyển dụng ở phòng nhập học của trường đại học thì thấy chỗ này và cảm giác là được. Tôi nghĩ điểm hay là tính cách mọi người đều chăm chỉ và hiền lành, đây là công ty xem trọng trái tim con người hơn bất kỳ điều gì.

Câu 3: Chất lượng sản phẩm của KyoAni cao vậy thì thời gian sản xuất anime là khoảng bao lâu? Với lại, xin hãy cho biết những lần các anh chị mừng vì đã làm gì đó, khi gặp thất bại, hay những lúc mà các anh chị tham gia làm tác phẩm của nhau và thấy nó thật tuyệt vời.

Ishihara: Tôi nghĩ khung thời gian sản xuất của chúng tôi không khác với người ta.

Takemoto: Khi chúng tôi bắt đầu việc sản xuất thì không có khác biệt đáng kể so với các công ty khác. Còn sau đó thì không biết họ tiến hành theo lịch trình ra sao thôi.

Shiraishi: Chất lượng anime của KyoAni thật đáng kinh ngạc.

Ishihara: Tôi thấy anime của công ty khác cũng rất đáng kinh ngạc. Vùng Kanto có nhiều nơi làm việc nằm rải rác, nhưng KyoAni thì tập hợp nhân sự vào một trụ sở. Tôi nghĩ ưu điểm là khi nghĩ ra ý gì đó mình có thể đi gặp người phụ trách và tổ chức họp bàn ngay tức thời.

Takemoto: Tôi nghĩ y như vậy.

Shiraishi: Có ai gặp thất bại hay gặp chuyện trục trặc gì không?

Ishihara: Tôi nói chuyện nghiêm túc có được không? Có những lúc làm việc ở cùng một chỗ, mình phải chịu nhường thành viên khác trong đội dù không hiểu nổi ý đồ của họ đúng chỗ nào.

Takemoto: Lời nói của anh Ishihara có lẽ còn chưa đủ chăng? Tôi chẳng bao giờ gặp chuyện gì như vậy. Người giỏi hội họp số một của KyoAni đây. (cười)

Yamada: Không có mâu thuẫn trong tác phẩm mà chú Ishihara đạo diễn. Thể nào cũng có “dấu ấn Ishihara”. Với cả “vẽ quần ngắn thể dục ở đây cho tôi”. (cười)

Shiraishi: Trong Clannad cũng có quần ngắn nữ này.

Yamada: Tác phẩm tiếp theo của chú cũng sẽ có quần ngắn nữa. (cười)

Ishihara: Cô Takahashi Rumiko đã đạt đến giới hạn vẽ quần ngắn thể dục, nên tôi sẽ tiếp tục công việc này. (cười)

Buruma / quần thể dục ngắn là cái này nha. Nghe trên mạng bảo nữ sinh Nhật hết phải mặc nó lâu rồi, nhưng một số anime, manga, fanart thì vẫn nhất quyết bảo tồn thể loại quần này.

Shiraishi: Yamada, bạn thường nhận được những lời động viên thế nào từ các đạo diễn khác?

Yamada: Chú Ishihara đã cho tôi lời khuyên khi tôi lần đầu làm đạo diễn chính, chú cũng trợ giúp khi tôi lần đầu có cơ hội chỉ đạo tập phim, thật tội lỗi vì ban nãy lại lôi chuyện quần ngắn ra nói.

Chú Ishihara có thói quen luôn nghĩ “làm sao để tôi thích nhân vật này?”

Ishihara: Giống như nấu ăn ở quán vậy, nhân vật mà tôi không thích (món ăn mà tôi ăn không thấy ngon) thì không thể đem ra cho khách được.

Yamada: Đó là từ chú Ishihara. Còn từ anh Ishidate thì phần vẽ khung chính mà anh ấy giao cho tôi trong tập 4 của Haruhi, lúc mà Shiraishi… à không Taniguchi… (cười)

Shiraishi: Bất ngờ bị gọi tên làm tôi giật cả mình! (cười)

Yamada: Tôi rất thích phong cách mà anh Ishidate chuẩn bị cho tập đó. Tôi được chỉ cho rất nhiều chiêu thức và đem ra thực hiện rất thích. Cùng làm việc chung thật là vui.

Anh Takemoto thì bên cạnh lý thuyết còn dạy cho tôi không để lại bất kỳ thứ gì vô ích trong khung khi hoàn thiện bảng vẽ phân cảnh; phải trình bày một bức tranh toàn diện. Anh Takemoto cái gì vẽ cũng giỏi.

Câu 4: Chuyển động chân của nhân vật thì hấp dẫn đấy, nhưng lý do đằng sau việc thể hiện là gì vậy?

Ishihara: Chân thì là Yamada rồi.

Shiraishi: Có phải là sùng bái chân chăng?

Yamada: Nói vậy thì dễ gây hiểu lầm ạ, nhưng mà tôi nghĩ đó là cách tốt để biểu đạt cảm xúc, chẳng hạn khi căng thẳng thì chân mình sẽ cử động.

“Chân thì là Yamada rồi”, với sự góp mặt của: Hibike Euphonium, K-On Movie, Hyouka, Koe no Katachi, Heike Monogatari, Liz to Aoi Tori.

Câu 5: Trong cuộc sống hàng ngày nếu bỗng chốc gặp một cảnh vật mà mình muốn vẽ lại thì các anh chị có chuyển sang trạng thái đạo diễn hay không? Xin hãy chỉ giáo cho tôi trên tư cách là những đàn anh đàn chị làm nghề diễn hoạt.

Shiraishi: Thường thường có khi nào mọi người thoáng thấy điều gì làm mình hứng thú không?

Yamada: Có. Chúng ta không sống trong thế giới mà mắt ta đang nhìn thấy, nên tôi hứng thú với cách mà người ta giao tiếp, tại sao họ lại di chuyển thế này thế nọ, và cảm giác của họ khi di chuyển qua lại. Có thể chỉ việc “xì mũi” thôi cũng truyền cảm hứng được.

Ishidate: Tôi quan sát mọi người. Tôi lấy cảm hứng từ sách của đạo diễn Yamada Yoji, trong đó viết “Tôi cảm giác thế nào? Làm sao tôi chuyển hóa và truyền tải cảm giác đó?” Ngày ngày tôi lại tiếp tục bắc ăng-ten của mình để mà nghĩ xem làm sao truyền tải được cảm giác của mình.

Takemoto: Tôi không xem mình là người viết, cũng không phải muốn làm đạo diễn, nhưng tôi làm hết sức mình với những công việc có liên quan, thế là thành đạo diễn. Nếu tôi không gặp thứ gì mà tôi muốn mô tả thì tôi không mô tả nó.

Shiraishi: Có thứ gì mà anh muốn mô tả trong tương lai không?

Takemoto: Năm nay rốt cuộc tôi cũng lờ mờ hiểu ra. Nếu chỉ có toàn các chàng trai xuất hiện thôi thì cũng được ấy chứ. (cười)

Shiraishi: Chuyện đó là để cho sự kiện sau mà! (cười; ám chỉ sự kiện phim High Speed! The Movie)

Ishihara: Hồi cùng Yamada dựng Hibike! Euphonium, chúng tôi có thể đi thăm dò địa điểm ở trường trung học và còn tham khảo được điệu bộ dễ thương của các nữ sinh.

Tôi nghĩ những ai muốn làm hoạt họa viên hay đạo diễn thì tốt hơn đừng nên chăm chăm vào điện thoại trên tàu điện. Mỗi ngày đều có những khoảnh khắc diệu kỳ, chẳng hạn khi ánh sáng chiếu rọi đẹp đẽ, bạn có một phong cảnh tuyệt vời mà không tìm cũng thấy, có những khoảnh khắc như thế ấy.

Shiraishi: Sau này anh có muốn làm gì không?

Ishihara: Những thứ tôi muốn làm thì nhiều lắm, tôi có thể dành cả đời còn lại mà nghĩ… Tôi còn muốn làm đâu 10 năm nữa ấy chứ. Nhất thời tôi không nói ra được gì cụ thể, nhưng nếu có thể làm bấy nhiêu thì tốt quá.

Shiraishi: Anh Takemoto xin hãy cho thêm lời khuyên nữa ạ.

Takemoto: Tôi cũng giống ý bác ấy [Ishihara], việc quan sát là rất quan trọng. Tìm được thứ mình muốn làm thì quan trọng đấy, nhưng tôi nghĩ tự mình soi xét người đời và mài sắc kỹ năng cũng là điều quan trọng nữa. Đến cuối cùng thì tôi cũng dần hiểu ra mình có thể làm gì và mình có được những công cụ gì.

Hãy chĩa trọng tâm vào bản thân mình rồi đào sâu hơn. Khi bạn làm một thứ gì đó, bạn bày ra cho khán giả một phần của chính mình, nên bạn phải mài sắc nó. Một khi đã biết được mình là ai, có thể bạn sẽ biết được phải làm sao.

Nghe thì có vẻ như đang giới hạn tiềm năng của mình, nhưng ngay cả khi bạn là một người mạnh toàn diện hay bạn biết mình không có gì ngoài một mũi nhọn, thì bạn cũng phải muốn mài sắc nó.

Ishidate: Chắc sẽ nói ngược với anh Takemoto một chút, nhưng mà tôi nghĩ khi còn trẻ thì hễ có thứ gì hứng thú thì bạn cứ chuyên tâm hết cho nó. Lúc đó rồi bạn sẽ nhận ra cái gì mình quan tâm, cái gì mình thích thú. Chừng đó rồi, bạn sẽ biết những vũ khí của mình là gì. Tôi nghĩ cứ đinh ninh một kết luận từ khi còn trẻ không phải là tốt.

Yamada: Khi mình làm ra một tác phẩm, điều quan trọng là phải có niềm tin vào nó và nhìn vào nó một cách tích cực. Nếu bạn nhìn mà lệch lạc đi, hay là bạn không dành tình cảm cho nó, thì người xem tác phẩm ấy cũng chẳng thấy tốt đẹp gì khi xem nó. Cuối cùng ra, tình yêu rất quan trọng với một tác phẩm.

Shirashi: Xin các anh chị cho vài nhận xét sau cùng đi ạ.

Ishihara: Tôi rất mong cung cấp thêm nhiều thông tin tình hình, nhưng hy vọng các bạn thích buổi trò chuyện này. Với những bạn muốn làm nghề hoạt họa viên, hy vọng các bạn có thêm động lực từ buổi trưng bày hôm nay.

Takemoto: Mong rằng mọi người thấy vui vẻ. Ai muốn làm hoạt họa viên thì đừng e dè gì nhé!

Ishidate: Hôm nay cảm ơn các bạn rất nhiều! Thật là trọng trách nặng nề khi lên sân khấu làm sự kiện đầu tiên. Tiếp theo vẫn còn sự kiện thú vị trên sân khấu cho các bạn chờ đón. Không gian trưng bày ở gần đây cũng đang mở, hy vọng nhiều bạn sẽ đến để xem trực tiếp hình vẽ tay của các hoạt họa viên.

Yamada: Xem chừng chúng tôi đã thành ra những người đại diện cho KyoAni rồi, hy vọng trong lời lẽ mình nói không có lỗi gì sai. Với những ai từ nơi khác ghé thăm Kyoto, đây là mùa lá đỏ ở Kyoto nên mong rằng các bạn cũng có thể thưởng ngoạn cảnh vật trong chuyến đi của mình nhé.

One thought on “[Dịch] Phỏng vấn đạo diễn – Ngày hội người hâm mộ KyoAni & Do 2015

Leave a comment