Nhật ký học ngoại ngữ (1)

Cách đây 2 năm (lại 2 năm!) tôi từng viết một bài Nhật ký học tiếng Nhật (1). Nhưng cũng không có gì thật sự đi đến đâu. Tôi xé nháp mở lại một series nhật ký mới, để tự tôi kiếm động lực ráng làm cái việc mà tôi luôn trì hoãn.

Tôi biết một số ví dụ đời thực xử gọn ngoại ngữ thế nào. Một đứa bạn tranh thủ 1 năm ra trường để dùi mài N3, đi du học tức tốc. Người ta lúc mới qua Nhật choáng váng nghe dân bản xứ nói chuyện ào ào, rồi cũng thành quen. Tôi không thuộc trường hợp đó. Tôi là kiểu shut-in lâu lâu đi mua đồ lỡ nói lắp bắp vài ba câu, tiếng Việt, thì đã đủ ứa nước mắt ngay quầy thu ngân. Vậy thì còn thiết thăm thú, nói năng gì ở đâu khác, bằng ngôn ngữ khác. Dù từng học chuyên Anh đi nữa tôi vẫn không hề có ý định du học hay đặt chân tới một đất nước nói tiếng Anh nào, hay thậm chí chỉ tiếp chuyện vài câu cùng người bản ngữ. Thì với tiếng Nhật hay tiếng nào nữa cũng vậy. Hãy gạt đi động lực giao tiếp xã hội khỏi cái series học tiếng này.

Tôi lục lại một động lực khác, đã bị nhận chìm. Câu chuyện khá tương tự với những gì xảy ra trong My Lesbian Experience with Loneliness (có lẽ những đứa cúc cu thì ở nơi nào cũng như nhau), đoạn tác giả Nagata kể lại vì áp lực tìm việc làm toàn thời gian mà cô đâm đầu nộp đơn phỏng vấn xin việc ở… một phòng khám nắn xương (?) và hai tiệm bánh. Trong buổi phỏng vấn, Nagata đưa ra những câu trả lời ngập ngừng, miễn cưỡng, nhưng lại nói rành rọt về manga khi được hỏi cô thật sự muốn làm gì. Thậm chí người phỏng vấn còn chỉ ra giùm đấy mới là cái cô đam mê, và lúc ra về còn dí theo cô ra tận cửa để chúc Nagata may mắn vẽ truyện tranh. Nagata bật khóc trên đường về (ô hay lại nhạy cảm giống nhau). Sau đó cô vẽ manga kiếm sống.

Trong vài ba chỗ rất lạc quẻ mà tôi từng nộp đơn sau khi ra trường, tôi đã đi phỏng vấn ở… một trường mầm non kiểu Nhật (?). Sau một hồi hỏi han, người phỏng vấn hỏi tôi thử hình dung 10 năm nữa mình làm gì. Trên tinh thần thật thà toàn tập, tôi nói những gì hiện lên trong đầu mình khi ấy: dịch sách và viết truyện. Anh lại hỏi tiếp một câu gì đại loại, tôi muốn làm gì nhất nếu không làm ở đây, hoặc tôi hình dung mình sẽ làm gì để đạt tới mục tiêu 10 năm kia. Thì dĩ nhiên lại là dịch sách và viết truyện. Tại sao chuyện đơn giản đến thế mà bấy giờ tôi mới nghĩ ra. Tôi ra về cảm thấy như mình đã có một phát hiện động trời. Vài hôm sau, bên trường mầm non gọi lại báo trúng tuyển; tôi từ chối, lúc bị gặn hỏi thì còn bảo (rất đáng facepalm) là sau khi phỏng vấn em đã biết mình thật sự muốn làm gì. Tiếp theo đó thì tôi kiếm sống bằng cái việc (hợp lý hơn) mà mình đã làm.

Trên thực tế, thuở còn học tiếng Nhật ở trung tâm, mỗi khi phải thi vấn đáp qua lớp, tôi luôn trả lời rằng tôi học tiếng Nhật là để dịch sách. Và nếu muốn lục lại lý do tôi mở blog, viết blog từ đầu, 10 năm trước, có lẽ cũng không ngoài những gì đã kể ở trên. Nên quay lại với những điều đơn giản như vậy. Tôi đã đi quá nhiều đường vòng.

Thành tích gần đây nhất của tôi là một bài dịch phỏng vấn đạo diễn, tuy vẫn dịch từ tiếng Anh là chủ yếu rồi đối chiếu tiếng Nhật sau, nhưng cách này có vẻ hợp với trình độ tôi hiện tại. Vì còn cần các bản dịch tiếng Anh để chống lưng, nên về sau có lẽ tôi vẫn tiếp tục với thể loại dịch phỏng vấn, ít ra có gì liên quan đến Yamada thì cũng bớt tiếc công. Tôi chần chừ chưa quay lại với dự án dịch manga Aoi Hoshi, dù đã tìm được raw trên pixiv, vì không muốn chuốc thêm một hoạt động dán chặt mình vào máy tính – với dự án này tôi không chỉ dịch mà còn phải edit bằng kỹ năng cùi bắp của mình. (Bài phỏng vấn đạo diễn kia thì được dịch bằng cách in nội dung ra, rồi thao tác đa phần trên giấy.)

Cũng vì không muốn bám máy (từ khi bớt trẻ thì tôi rồi cũng hiểu được thế nào là mỏi mắt, đau vai gáy, và nguy cơ đột tử), nên tôi không đụng gì đến các game mà tôi đã lên kế hoạch trong bài nhật ký trước. Tuy vậy (!) gần đây nhất tôi có chơi demo của Learn Japanese RPG: Hiragana Forbidden Speech. Cái này ra dáng game hơn Duolingo, đảm bảo yếu tố JRPG mà vẫn lồng ghép lời thoại có lồng tiếng & dịch tiếng Anh, kiểm tra từ vựng, ghi nhớ tiến độ học, và giới thiệu ngữ pháp. Các kiến thức đều cơ bản, tôi chơi vì thấy nó ngộ hơn là thấy nó cần.

Việc đọc manga trên YuriHime cũng bị dẹp bỏ, có điều trong trường hợp này thì lý do là vì tôi chán cái tạp chí đó. Bù lại tôi đã rất hăng say đọc How do we relationship nhân lúc bản raw của truyện còn trôi nổi trên mạng. Tôi không hiểu hết, dĩ nhiên, nhưng khao khát được biết diễn biến manga đã cho tôi đủ kiên nhẫn ngồi tra từ ở những khúc gay cấn.

Vào giai đoạn covid người người bị trói ở nhà tôi cũng có dịp đu theo bạn bè tham gia nhóm chat cùng học tiếng Nhật, một thời gian. Cả nhóm đã thử Duolingo, Satori Reader, NHK easy, một giáo trình N3 nào đó… và tôi được mở mang thêm nhiều ý tưởng để đa dạng hóa phương pháp học. Nhóm học tan rã chẳng bao lâu sau dù tôi vẫn chưa kịp xác định mình tiến bộ thế nào sau quá trình này :v

Một vấn đề mới nảy sinh. Nếu nói rằng học tiếng Nhật để dịch sách thì khi ngẫm lại, lướt lại kệ sách nhà, tôi lại thấy mình chẳng mấy thích sách Nhật. Tôi đã từng hy vọng tìm được sách Nhật nào mình thích, vì dù sao mình cũng ghiền văn hóa Nhật là thế, nhưng thời gian trôi qua, tôi vẫn say mê rất nhiều sách dịch từ bốn, năm thứ tiếng khác, còn sách dịch từ tiếng Nhật chỉ đếm được vài ba. Có lẽ may ra tôi còn thích manga…

Chuyện này dẫn đến một động thái ôm đồm của tôi trong vài tháng trở lại đây: quay lại học tiếng Pháp. (Tôi đã bắt đầu học tiếng Pháp trên Duolingo từ 2016, xin đừng bất ngờ.) Mặc dù lạnh nhạt với sách Nhật nhưng với sách Pháp tôi lại vô cùng háo hức. Tôi cũng tự thấy gánh thêm tiếng Pháp trong khi tiếng Nhật đang lẹt bẹt không phải là ý hay, và tạm thời chỉ quan tâm tiếng Pháp một cách máy móc thông qua chừng chục phút mỗi ngày giữ streak trên Duolingo & Memrise. Trang dạy tiếng Pháp của Duolingo đầu tư hơn hẳn phần tiếng Nhật, kho truyện kể áp đảo hơn, chương trình học nhiều hơn, ngữ pháp chi tiết hơn, có cả các podcast tự soạn cho người mới học & các nhóm học phong phú. Tuy nhiên tôi vẫn giữ thành kiến trước giờ là Duolingo chán phèo, chỉ đắc dụng để duy trì sự quan tâm tối thiểu. Memrise có khóa tiếng Pháp (và Nhật) do trang này tự đầu tư, tưởng chỉ học từ vựng thôi nhưng cũng có chăm chút kỹ năng nghe ra phết, vì khóa học rất chịu khó quay các clip cho những câu đàm thoại phổ biến, để người học trải nghiệm dân bản xứ nuốt chữ, lướt chữ cỡ nào. Về khía cạnh này thì tôi đánh giá cao nó, ngoài ra chưa thấy gì khá khẩm (và hơi tiếc khi trang này bỏ chức năng tạo mem từng đặc trưng cho trang).

Vậy thôi, lần sau tôi sẽ ráng ráng đạt thành tích gì đó để có chuyện viết tiếp kỳ 2.

Còn sau đây là một bản nhạc dễ hiểu của Pomme để ngẫu hứng khép lại bài viết :v

2 thoughts on “Nhật ký học ngoại ngữ (1)

  1. Không biết bạn đã từng nghe đến cách học này chưa nhỉ :
    https://learnjapanese.moe/guide/ (dài quá đọc phần summary cũng được =)))
    Nôm na là mình sẽ học thật nhanh phần nền tảng (từ vựng và ngữ pháp n4,n5) rồi bắt đầu đọc và nghe luôn với anki là công cụ hỗ trợ. Gặp từ mới lúc nghe hoặc đọc rồi add vào anki để ôn hằng ngày, còn ngữ pháp lâu lâu gặp phải thì tra cứu. Kết hợp với nhiều công cụ khác để tiện cho việc tra cứu như yomichan hay mokuro (anki với mớ này lúc đầu hơi khó dùng nhưng mày mò dần rồi cũng quen). Cách học này chú trọng việc nghe, đọc những thứ mình thích, mình thử tự học như vậy 3-4 tháng thấy khá ổn, cũng bắt đầu đọc được những manga hay ho mà chưa có bản dịch.

    Liked by 1 person

Leave a comment