[Dịch] The Light Princess 1-5

The Light Princess (tựa xài tạm: Nàng công chúa nhẹ) là câu chuyện thiếu nhi do George MacDonald sáng tác, đã xuất bản từ hồi 1864. Tác phẩm kể về một nàng công chúa bị tước đi trọng lực, rồi từ đó câu chuyện lại hóa ra khám phá mối quan hệ giữa nặng và nhẹ: không chỉ nhẹ thể xác, mà tâm hồn công chúa cũng nhẹ tuốt, nàng suốt ngày cười nghiêng ngả và không nói năng gì cho nghiêm túc được – công chúa cần chút nặng nào đó để kéo nàng lại với thực tế cuộc sống. Hiện tại tôi chưa có gì nhiều để giới thiệu thêm về tác phẩm ngoại trừ việc tôi rất thích và đã quyết định dịch. Vì đã tiến hành dịch tới nửa cuốn nên tôi biết mình bị gục ngã trước rất nhiều chỗ chơi chữ trong sách này, nhưng dù sao cũng vui khi chuyển qua dịch một cuốn nhộn thế này sau một thời gian tôi đã quen với các thể loại nonfiction đều đều.

(Edit ngày 21/8/2023 để chuốt lại cách dùng từ.)

1. Sao cơ? Không có con ư?

Ngày xửa ngày xưa, xưa thật là xưa tôi không nhớ nổi hồi nào, có nhà vua và hoàng hậu nọ chưa hạ sinh được lấy một mụn con.

Nhà vua tự nhủ, “Mấy ông vua ta quen đều có hoàng hậu sinh con cho, chỗ ba, chỗ bảy, chỗ còn đến mười hai đứa; mà hậu ta chưa có nổi một đứa con. Sao mà ta oan uổng quá.” Nghĩ rồi ngài quyết chí trút giận lên vợ chuyện này. Mà bà hoàng cứ chịu trận hết đúng kiểu một hoàng hậu lòng lành nhẫn nại. Vậy là nhà vua càng tức khí dữ dội hơn. Nhưng hoàng hậu vờ như đấy chỉ là trò đùa, một trò đùa rất hay là đằng khác.

“Sao ít ra hậu cũng không có con gái đi?” ngài nói. “Trẫm không đòi con trai; đấy thì có thể là đòi hỏi quá đáng.”

“Thiếp biết mà, hoàng thượng yêu dấu ơi, thần thiếp rất tiếc,” hoàng hậu đáp.

“Hậu phải vậy chứ,” nhà vua phản pháo; “hậu đâu có lấy gì làm đức hạnh vì chuyện đó đâu, hẳn rồi.”

Nhưng ngài không phải một ông vua cáu bẳn, cỡ mà gặp vấn đề gì kém hệ trọng hơn hẳn ngài cũng sẵn lòng để hoàng hậu muốn sao tùy thích. Hiềm nỗi, chuyện này là chuyện quốc gia đại sự.

Bà hoàng mỉm cười.

“Với phụ nữ thì bệ hạ phải kiên nhẫn, hoàng thượng yêu dấu ạ, bệ hạ biết mà,” bà nói.

Quả tình, bà là một hoàng hậu rất tốt, và thật lòng lấy làm tiếc vì không thể lập tức đáp ứng cho nhà vua.

2. Ta có được không?

Nhà vua cố kiên nhẫn, nhưng thành công rất khiêm tốn. Bởi thế, còn hơn cả xứng đáng cho ngài, cuối cùng hoàng hậu cũng hạ sinh cho nhà vua một cô con gái – cô bé cất tiếng khóc đáng yêu đúng điệu một nàng công chúa nhỏ.

Thấm thoắt cũng đến ngày đứa trẻ rửa tội. Chính tay nhà vua viết thiệp mời gửi đi. Y như rằng ai đó đã bị bỏ quên. Chuyện người ta bị quên thường không quan trọng mấy, có điều bạn phải để ý xem ấy là ai. Xui xẻo thay, nhà vua không cố tình quên mà vẫn quên; thế là tình cờ cái quên rơi trúng bà công chúa Makemnoit, thật chẳng ra làm sao. Bởi một lẽ công chúa này chính là chị gái của nhà vua; đáng lẽ ngài không được quên bà mới phải. Nhưng bà vốn cơm không lành canh không ngọt với cha của họ, tức vị tiên đế, đến nỗi ông vua ấy còn quên khuấy bà hồi lập di chúc; vậy cũng không lạ gì người em trai viết thiệp mời mà lại bỏ quên bà. Quan hệ xấu đâu làm sao giữ cho người này ở trong tâm trí người kia. Làm sao được? Nhà vua đâu thể ghé mắt hóng tòa tháp chỗ bà ta sống, phải không nào?

Bà này vốn là tuồng chua ngoa, độc địa. Số nếp nhăn khinh miệt chằng chéo số nếp nhăn cáu kỉnh, làm mặt bà nhăn nheo như một nhúm bơ. Nếu có lúc nào mấy ông vua chúa đáng được quên ai đó, thì ông vua này quên mất bà chị gái là đáng lắm, kể cả vào dịp lễ rửa tội. Nom bà cũng kỳ cục nữa. Cái trán bà to bằng phần còn lại của khuôn mặt, nó nhô ra y như là vách đá. Hễ bà giận ai, đôi con mắt ti hí lóe lên màu xanh dương. Hễ bà ghét ai, chúng sáng rực màu vàng và xanh lá. Còn hễ bà yêu ai chúng trông ra làm sao thì tôi hết biết, tôi có đời nào nghe bảo bà yêu ai khác ngoài bản thân bao giờ, vả, tôi chẳng tin bà có thể làm được như vậy nếu trước tiên bà vẫn chưa làm sao lờn mặt chính mình. Nhưng việc nhà vua quên bà vẫn cực kỳ khinh suất ở chỗ bà ta khôn đáo để. Kỳ thực, bà là một bà phù thủy, và hễ bà đã bỏ bùa ai, chẳng mấy chốc kẻ ấy sẽ chịu hết xiết; bởi chưng bà ăn đứt hết thảy những bà tiên ác ôn ở khoản ác ôn, và ăn đứt hết thảy những bà tiên khôn khéo ở khoản khôn khéo. Bà khinh bỉ tất tật những phương thức trả thù của những bà tiên và bà phù thủy bị xúc phạm mà ta từng đọc qua trong sử sách. Thành thử, sau khi chờ đợi mỏi mòn rồi vẫn chưa thấy thiệp mời nào, bà quyết chí đi luôn khỏi cần ai mời mọc, và phải làm sao cho toàn gia khổ sở, như bà công chúa là bà đây.

Thế là bà vận bộ váy đầm chiến nhất đi đến cung điện, được vị quân vương hạnh phúc ân cần tiếp đón, ngài ta quên mất việc ngài đã quên mất bà, rồi bà dự phần vào dòng người đến nhà nguyện hoàng gia. Lúc ai nấy tề tựu quanh giếng rửa tội, bà nhích nhích lại gần, ném thứ gì đó vào trong nước; xong xuôi bà giữ một phong thái rất ư đạo mạo cho đến khi nước rẩy lên mặt đứa bé. Nhưng đúng lúc ấy bà ta quay ba vòng tại chỗ, miệng lẩm bẩm những lời sau, đủ lớn để những người ở cạnh bà cũng nghe thấy:

“Tâm hồn nhẹ, ta phù phép thế,
Thể xác nhẹ, toàn bộ không tha,
Chẳng bao giờ làm chồn tay bế –
Nhưng đè nặng trĩu lòng mẹ cha!”

Ai cũng nghĩ bà mất trí rồi, thành ra lải nhải mấy câu vè nhăng nhít nào đó; dẫu vậy thì một cơn rùng mình cũng chạy dọc sống lưng họ. Trái lại, đứa bé bật cười hinh hích, trong khi bà bảo mẫu giật bắn cố nén lại một tiếng kêu vì bà ngỡ mình bị một phen tê liệt: bà không thể cảm nhận đứa bé trong tay mình. Nhưng bà bảo mẫu vẫn nín thinh ghì nó thật chặt. Mưu ma chước quỷ đã thành công.

3. Nó không thể là con chúng ta được.

Bà cô tàn ác đã tước đi mọi trọng lực của đứa trẻ. Ai mà hỏi tôi chuyện này xảy ra làm sao, thì tôi đáp. “Theo cách đơn giản nhất trần đời. Bà ta chỉ cần phá hủy lực hút mà thôi.” Vì bà công chúa là một triết gia, bà biết hết mọi đường ra lối vào trong luật hấp dẫn y như lòng bàn tay mình vậy. Lại còn là một bà phù thủy, bà ta có thể hủy bỏ những thứ luật này trong chớp mắt; hay chí ít là làm tắc ốc nghẽn vít của chúng, sao cho chúng không còn chút gì hiệu lực. Nhưng chúng ta có nhiều chuyện phải bàn về những gì kéo theo sau đó hơn là cách thức nó được thực hiện ra sao.

Chuyện bất tiện đầu tiên phát sinh từ khiếm khuyết đáng buồn này là, vào lúc bà bảo mẫu bắt đầu đung đưa đứa bé, nó bay vuột khỏi tay bà tuốt lên trần nhà. Phúc đức thay, lực cản không khí đã làm cuộc thăng thiên của đứa bé chựng lại cách trần chỉ trong gang tấc. Nó cứ ở đó, nằm ngửa như lúc bà bảo mẫu còn ẵm trên tay, đôi chân khua khoắng và miệng cười sằng sặc. Bà bảo mẫu hoảng hồn lao đi rung chuông, và vừa thấy lão bộc đến tiếp ứng thì liền khẩn thiết xin ông đem ngay cái thang lại. Chân tay run lẩy bẩy, bà trèo lên từng bậc thang, và phải đứng tới bậc trên cùng, vươn tay, thì mới bắt lấy được cái vạt vải dài bồng bềnh quấn quanh người đứa bé.

Khi chuyện lạ lùng này lan ra, cung điện được một phen náo động kinh khủng. Cái lần nhà vua phát hiện điều này tất yếu là ngài lặp lại trải nghiệm của bà bảo mẫu. Kinh ngạc vì chẳng cảm nhận được chút sức nặng gì khi ẵm đứa bé trên tay, ngài dần nâng bé lên thay vì hạ xuống, bởi bé từ từ thăng lên trần nhà y hệt lần trước, rồi bồng bềnh trên đó với vẻ hoàn toàn thoải mái và mãn nguyện, bằng chứng là những tràng cười cứ rúc rích phát ra. Nhà vua đứng nhìn theo mà sững sờ không thốt nổi nên lời, ngài run rẩy đến độ chòm râu ngài tựa hồ đám cỏ lung lay trong gió. Cuối cùng, quay sang hoàng hậu bấy giờ cũng đang bàng hoàng như mình, ngài nói mà nghe hổn hển, trân trối, và lập bập:

“Hậu ơi, nó không thể là con chúng ta được!”

Hoàng hậu đây nhanh trí hơn nhà vua nhiều, bà đã bắt đầu ngờ vực “tác động khuyết thiếu này do có người gây ra”.

“Thiếp chắc rằng con bé là con chúng ta,” bà đáp. “Nhưng lẽ ra chúng ta phải trông chừng bé tốt hơn ở lễ rửa tội. Ai không hề được mời thì đáng ra không nên có mặt.”

“À há!” nhà vua kêu lên, ngón trỏ của ngài gõ gõ lên trán, “Trẫm biết hết rồi. Trẫm tìm ra thủ phạm rồi. Hậu thấy ra chưa? Bà công chúa Makemnoit đã bỏ bùa đứa nhỏ.”

“Ý thiếp là vậy đó,” hoàng hậu đáp.

“Xin lỗi hậu yêu, hậu vừa nói gì trẫm nghe không rõ. – John! Đem ra đây cái bục mà trẫm dùng để ngồi lên ngai.”

Thì ngài là một nhà vua nhỏ thó có cái ngai to vĩ đại, như nhiều nhà vua khác thôi.

Cái bục-lên-ngai được đem tới đặt trên bàn ăn, rồi John leo lên tới trên. Nhưng chú không thể rướn tới cô công chúa, cô bé nằm như một đám mây em bé biết cười trên không, cứ liên hồi khúc khích. “Lấy cây kẹp đi, John ơi,” hoàng thượng lên tiếng; đoạn trèo lên bàn rồi, ngài đưa cho chú.

Giờ John mới với tới đứa bé, và cô công chúa bé bỏng đã được chú dùng cây kẹp chuyền xuống dưới.

4. Con bé đâu rồi?

Ngày hè đẹp trời nọ, một tháng từ sau những cuộc phiêu lưu đầu đời kể trên, cô công chúa bé bỏng, mà bấy giờ được trông chừng vô cùng kỹ lưỡng, đương nằm say ngủ trên giường ở phòng hoàng hậu. Một bên cửa sổ mở toang, bởi bấy giờ đang ban trưa và trong ngày trời oi bức đến đỗi cô bé chẳng được cuộn trong thứ gì thanh thoát hơn là chính giấc say nồng. Hoàng hậu bước vào phòng mà không nhận thấy đứa bé nằm trên giường, bà mở thêm một cửa sổ nữa. Có cơn gió thần tiên tung tẩy đã nhăm nhe tìm cơ hội giở trò, nay ùa vào một bên cửa sổ, tìm lối qua chiếc giường đứa bé đang nằm, quắp nó lên, cuộn vòng và thổi bé bay như thổi một ống khói, hay một hạt bồ công anh, mang bé theo cùng qua cửa sổ ra xa. Hoàng hậu cứ thế xuống lầu, không hay biết gì về tổn hại tự bà đã châm ngòi.

Khi bà bảo mẫu quay lại, bà cứ tưởng lệnh bà mang em bé đi rồi, và vì e bị mắng nên bà không vội hỏi han về cô công chúa. Nhưng mãi không nghe tăm hơi gì, bà đâm lo, rốt cuộc bén mảng sang khuê phòng của hoàng hậu để gặp lệnh bà.

“Thưa lệnh bà, thần xin bế bé về ạ,” bà nói.

“Bé đâu rồi?” hoàng hậu hỏi.

“Hạ thần xin lỗi. Thần biết sai rồi.”

“Ý bà là sao?” hoàng hậu nói, vẻ nghiêm trọng.

“Ôi, lệnh bà đừng làm thần sợ!” bà bảo mẫu thốt lên, nắm chặt hai tay.

Biết có gì không ổn, hoàng hậu ngã xuống ngất lịm. Bà bảo mẫu đôn đáo khắp cung điện, kêu toáng, “Em bé của tôi ơi! Em bé của tôi ơi!”

Ai nấy đều chạy đến phòng hoàng hậu, nhưng bà hoàng không thể ra bất kỳ chỉ thị gì. Song chẳng bao lâu người ta cũng phát hiện ra là cô công chúa đã mất tích, và trong phút chốc cả cung điện như một bầy ong vỡ tổ dưới vườn; một phút sau nữa hoàng hậu chợt hoàn hồn nhờ một tiếng la lớn và tiếng vỗ tay. Mọi người đã tìm thấy cô công chúa say ngủ dưới một bụi hồng, đấy là nơi làn gió nhỏ tinh ranh mang bé đi, và kết thúc trò nghịch ngợm của nó bằng cách rải một cơn mưa lá hoa hồng đỏ lên khắp cô bé trắng ngần. Choàng tỉnh bởi tiếng động của đám người hầu, bé đỏ mặt tía tai khoái trá, vung lá hồng đi bốn phương tám hướng, như một cơn mưa bụi nước trong ánh hoàng hôn.

Sau chuyện này, cô bé được trông còn kỹ hơn nữa, chắc chắn rồi; thế nhưng nếu muốn kể cho bằng hết mọi chuyện bất thường kéo theo từ đặc điểm lạ kỳ của nàng công chúa nhỏ thì có lẽ tôi nói mãi cũng không xong. Nhưng trong nhà, chứ chưa nói gì trong cung điện, chưa bao giờ có em bé nào lại làm cho cả nhà vui nhộn liền liền như vậy, ít nhất là ở dưới lầu. Nếu các bảo mẫu chẳng dễ gì ẵm bé, thì chí ít bé cũng chẳng làm ai đau tay hay đau lòng gì cả. Còn chơi bóng với bé thì đúng vui hết biết! Chắc mẻm không có nguy cơ gì người ta làm bé bị rơi. Mọi người có thể ném bé xuống, quẳng bé xuống, ấn bé xuống đấy, nhưng không sao làm chùn bé xuống được. Ừ thì họ dễ chừng làm bé phi vào đám lửa hay lỗ than, hay qua cửa sổ; nhưng chưa có sự cố nào như vậy xảy ra hết. Nếu nghe thấy tràng cười vang vọng từ một nơi nào đó, bạn sẽ đoán chắc được ngọn nguồn từ đâu. Xuống bếp, vào phòng, bạn sẽ thấy nào là Jane và Thomas, Robert và Susan, đủ cả, đang chơi bóng với nàng công chúa bé bỏng. Cô bé cũng chính là quả bóng, và chẳng vì thế mà bớt thích thú trò này. Cứ thế bé tung lên, bay từ bên này sang bên kia, cười vang khanh khách. Và những người hầu còn mê quả bóng hơn cả trò chơi nữa. Nhưng họ phải liệu đường ném bé, bởi nếu bé bị cuốn theo hướng lên trên, bé sẽ không làm sao xuống nữa nếu không có ai lên bắt lại.

5. Phải làm sao đây?

Nhưng trên lầu chuyện lại khác hẳn. Chẳng hạn ngày nọ, sau bữa sáng, nhà vua đi vào kho bạc đếm tiền. Tác vụ này chẳng làm ngài vui vẻ gì.

“Nghĩ mà xem,” ngài tự nhủ, “mỗi một đồng vàng này còn nặng cỡ hai chỉ, vậy mà cô công chúa bằng xương bằng thịt, sống sờ sờ của trẫm lại chẳng có lấy chỉ nào.”

Rồi nhà vua căm mớ đồng vàng của ngài lắm, chúng nằm đó trưng nụ cười tự mãn trên khắp những bản mặt vàng khè.

Hoàng hậu đang ở bên sảnh, ăn bánh mì với mật ong. Nhưng mới cắn tới miếng thứ hai thì bà bật khóc, chẳng thể nào nuốt trôi.

Nhà vua nghe tiếng bà nức nở. Mừng là có ai đó để cãi lộn, mà còn đặc biệt là hậu, vua đổ đống tiền vàng vào két, đội vương miện lên đầu, rồi phóng nhanh qua sảnh.

“Cái lộn xộn gì đây?” vua thốt lên. “Hậu làm sao mà khóc?”

“Thiếp không nuốt nổi,” hoàng hậu nói, ánh mắt bà âu sầu hướng về hũ mật ong.

“Thì phải rồi!” nhà vua vặn lại. “Hậu mới ăn sáng đây mà, hai quả trứng gà tây, ba con cá cơm.”

“Ôi, không phải chuyện đó!” lệnh bà nức nở. “Là con thiếp, con thiếp!”

“Nào, con nàng thì sao chứ? Con bé không trên ống khói, cũng chẳng dưới giếng sâu. Cứ nghe con bé cười đi kìa.”

Ấy thế mà nhà vua không nén nổi tiếng thở dài, mà ngài ra sức biến thành một tiếng đằng hắng, rồi nói:

“Thì nhẹ lòng cũng là tốt vậy, trẫm tin chắc, dù con bé có phải con của chúng ta hay không.”

“Mà nhẹ dạ thì chẳng hay đâu,” hoàng hậu đáp, bà nhìn xa xăm vào tương lai bằng một cái hồn tiên tri.

“Thì nhẹ lời cũng là tốt vậy,” nhà vua nói.

“Mà nhẹ miệng thì chẳng hay đâu,” hoàng hậu đáp.

“Thì nhẹ tay cũng là tốt vậy,” nhà vua nói.

“Mà nhẹ-” hoàng hậu mở miệng; nhưng nhà vua đã chen ngang.

“Thật ra,” ngài nói, bằng giọng điệu như của một người vừa chấm dứt tranh biện với những đối thủ tưởng tượng, và do đó đã giành thắng lợi giòn giã. – “thật ra thì nhẹ cái thân nói chung cũng là tốt vậy.”

“Mà nhẹ cái tâm nói chung thì chẳng hay chút nào đâu,” hoàng hậu phản đối, bà bắt đầu không giữ được bình tĩnh.

Câu trả lời sau chót này làm hoàng thượng khá lúng túng, ngài quay gót, dời chân về kho bạc. Nhưng ngài chưa đi được nửa đường thì đã nghe giọng hoàng hậu bắt kịp.

“Và coi tông tóc nhẹ cũng chẳng hay chút nào,” bà hét lên, quyết tâm bồi thêm vài lời chót nữa, gặp lúc tinh thần đang sôi sùng sục.

Tóc hoàng hậu đen huyền như ban đêm; còn tóc nhà vua, và cô con gái nữa, lại vàng óng như ban ngày. Nhưng không phải ý nghĩ tóc tai này chặn đứng ngài; cái chính là phép dùng từ đồng nghĩa cho từ nhẹ. Bởi lẽ nhà vua vốn ghét mọi trò khôn lanh, càng đặc biệt là trò chơi chữ. Mà chưa kể, ngài không thể phân biệt hoàng hậu đang có ý nói tông tóc nhẹ hay là tông tộc nhẹ; chứ mà tại sao hậu không nhấn cho rõ dấu khi mà tự hậu đang giận muốn sôi máu?

Ngài quay gót còn lại, trở lại chỗ bà. Bà vẫn trông vô cùng giận dữ, vì bà biết bà có lỗi, hay đại khái cũng tương tự, biết rằng NGÀI nghĩ vậy.

“Hậu yêu dấu ơi,” nhà vua nói, “tính nước đôi bất kể loại gì cũng cực kỳ chướng tai gai mắt giữa hai người đã kết hôn ở mọi địa vị, ấy là chưa kể giữa đức vua và hoàng hậu một nước; mà hình thức nước đôi chướng tai gai mắt hơn cả lại là dùng nghĩa đôi trong chơi chữ.”

“Đấy!” hoàng hậu nói, “Thiếp chưa bao giờ pha trò, mà giờ thiếp lại buột miệng thế giữa đường. Thiếp là người vô phúc nhất thế gian mà!”

Bà trông quá đỗi âu sầu nên nhà vua ôm bà vào lòng; rồi họ ngồi xuống bàn bạc.

“Hậu có chịu nổi chuyện này không?” nhà vua nói.

“Thiếp không thể”, hoàng hậu nói.

“Thế, phải làm sao đây?” nhà vua nói.

“Chắc chắn là thiếp không biết,” hoàng hậu nói. “Nhưng bệ hạ có thể nào thử tạ lỗi hay không?”

“Ý hậu là với bà chị của ta phỏng?” nhà vua nói.

“Vâng,” hoàng hậu nói.

“Thôi được, ta không ngại,” nhà vua nói.

Vậy là sáng hôm sau ngài đi tới nhà của bà công chúa, và rất khiêm nhường tạ lỗi, cầu xin bà chị hãy hồi lại bùa chú. Nhưng bằng vẻ mặt nghiêm trang, bà công chúa kia tuyên bố không hay biết gì chuyện này. Tuy vậy, mắt bà sáng lên màu hồng, ấy là dấu hiệu bà đang vui thích. Bà khuyên nhà vua và hoàng hậu hãy kiên nhẫn, và tự chỉnh đốn lại họ. Nhà vua phiền muộn trở về. Hoàng hậu tìm cách an ủi ngài.

“Chúng ta đành chờ tới khi con bé lớn lên. Có thể khi ấy nó sẽ tự nảy ra cao kiến gì đó. Ít ra nó sẽ biết nó cảm thấy thế nào, và giải thích cho chúng ta nghe.”

“Nhưng nếu nó phải thành thân thì sao?” nhà vua thốt lên, bất đồ khiếp đảm vì ý tưởng này.

“Vậy thì sao chứ?” hoàng hậu đáp trả. “Nghĩ thử xem! Nếu con bé mà có con! Trong quãng một trăm năm thôi trên trời sẽ đầy bọn trẻ bồng bềnh như tơ vải vào mùa thu.”

“Đấy không phải chuyện của chúng ta,” hoàng hậu đáp. “Hơn nữa, đến lúc ấy chúng sẽ biết cách tự lo thân.”

Tiếng thở dài là lời đáp duy nhất của nhà vua. Ngài sẽ bàn bạc với các ngự y; nhưng ngài e họ sẽ đem cô công chúa ra làm thí nghiệm mất.

Leave a comment